Blog-Img

LỊCH SỬ NHIẾP ẢNH KHỎA THÂN THẾ GIỚI RÚT GỌN

PHẦN I TỪ NĂM 1839 – 1939

Những cơ thể trần trụi, từ thời cổ đại, đã mê hoặc các nghệ sĩ thuộc mọi tầng lớp. Các nhà điêu khắc, họa sĩ và họa sĩ minh họa đã không ngừng tôn vinh cơ thể con người và thể hiện nó ở trạng thái nguyên bản nhất: khỏa thân. Chúng ta có thể thấy điều này trong các tác phẩm nghệ thuật từ các nền văn minh cổ đại, đặc biệt là nền văn minh Ai Cập, Hy Lạp và La Mã. Hình ảnh cơ thể người khỏa thân thậm chí còn được tìm thấy trên vách hang động và trong nghệ thuật tạc tượng thời tiền sử. Nhưng nếu những bức ảnh khoả thân nam giới thịnh hành ở thời Cổ đại, đặc biệt là trong xã hội Hy Lạp, thì xu hướng này hiện đã thay đổi và cơ thể phụ nữ đã trở thành nàng thơ, nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ.

SỰ KHỞI ĐẦU CỦA NHIẾP ẢNH KHỎA THÂN

Như một cơn gió không ngừng thổi bằng vẻ đẹp, sự đặc biệt và là hiện diện bằng vật chất của tâm hồn, cơ thể khỏa thân chưa bao giờ ngừng truyền cảm hứng cho các nhiếp ảnh gia kể từ khi nhiếp ảnh được phát minh vào năm 1839. Hippolyte Bayard(*), một trong những người phát mình ra công nghệ tạo ra hình ảnh mà không cần tác động của đôi bàn tay đã chụp lại hình ảnh đầu tiên của một cơ thể khỏa thân… thực chất là một bức ảnh tự chụp! Bức chân dung tự họa này, mang tên “Người chết đuối”, được chụp vào năm 1840, chưa đầy một năm sau khi nhiếp ảnh ra đời. Vì cái tiêu đề của nó mà bức ảnh này được coi là bức ảnh được dàn dựng đầu tiên trong làng nhiếp ảnh.

© Bức ảnh chân dung tự chụp tạo dáng như một “Người chết đuối”, Hippolyte Bayard 1840

(*) Hippolyte Bayard (20.1.1801 – 14.5.1887) là một nhiếp ảnh gia người Pháp và là người tiên phong trong lịch sử nhiếp ảnh. Ông đã phát minh ra quy trình của riêng mình để tạo ra các bản in trên giấy dương bản trực tiếp từ máy ảnh và giới thiệu triển lãm ảnh công khai đầu tiên trên thế giới vào ngày 24 tháng 6 năm 1839.

Các nghệ sĩ thời đó đã sử dụng nhiếp ảnh khỏa thân làm bản phác thảo cho các bức tranh và bản vẽ của họ. Chính việc đo đạc trên bức ảnh đã giúp họa sĩ vẽ lại chúng trên một bức tranh lớn hơn trên chất liệu canvas. Những bức ảnh ẩn danh thời kỳ đầu của nhiếp ảnh cho thấy hình ảnh những phụ nữ khỏa thân hoặc mặc quần áo mỏng, những người cuối cùng cũng trở thành chủ thể của một bức tranh. Những bức ảnh được chụp ra vào thời điểm đó thường được cất giữ cẩn thận để tránh khỏi những ánh mắt tò mò, vì không chỉ vì sợ bị kiểm duyệt (censor) mà còn sợ bị lấy trộm.

Những nhà nhiếp ảnh thời kỳ đó thường gọi những cô gái làng chơi làm mẫu, bởi vì những người phụ nữ có nhân phẩm tốt thường từ chối cởi đồ để chụp ảnh. Nhiếp ảnh khỏa thân trong thời gian rất dài bị coi như là một dạng khiêu dâm, lý do chính là vì những hình ảnh của những người phụ nữ khỏa thân trong ảnh.

Bức ảnh người phụ nữ khỏa thân đứng, 1860-61, Nadar

Nổi tiếng với những bức chân dung của các nhà văn, nghệ sĩ và các chính trị gia cánh tả, Nadar được biết là chỉ chụp ba bức ảnh phụ nữ khỏa thân. Bức ảnh bên trên được thực hiện theo yêu cầu của họa sĩ Jean-Léon Gérôme để hỗ trợ ông trong quá trình vẽ Phryné trước thần Areopagus, được trưng bày tại Salon năm 1861. Bức tranh của Gérôme mô tả khoảnh khắc khi người hầu tòa nổi tiếng Phryné, bị xét xử vì tội dâm ô do luật sư của cô bất ngờ tiết lộ thông tin của cô. Bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thần thánh của Phryné, các bồi thẩm viên đã tha bổng cho cô. Giống như Phryné, người được cho là đã làm mẫu cho họa sĩ Hy Lạp cổ đại Apelles và các nghệ sĩ khác cùng thời đại, người mẫu của Nadar, Marie-Christine Leroux (1820–1863), được nhiều nghệ sĩ cùng thời tìm kiếm và là hình mẫu cho nhân vật Musette trong cuốn “Cảnh tượng về cuộc sống Bô-hê-mi-a” của Henri Murger. (Nguồn: The MET)

Người phụ nữ khỏa thân ngả lưng 1851-53, Julien Vallou de Villeneuve

Từ năm 1851 đến năm 1855, Vallou đã thực hiện một loạt các bức ảnh giấy khổ nhỏ về phụ nữ khỏa thân mà ông đã tiếp thị (và đăng ký hợp pháp) là để làm mẫu cho các nghệ sĩ. Cho dù có thể vẫn còn những tranh cãi là liệu chúng thực sự chỉ dành cho các nghệ sĩ hay không, nhưng để bán được hình ảnh một cách công khai, nhà nhiếp ảnh đã phải thêm vào các bức ảnh của mình những vật dụng trong studio của họa sĩ như thảm, khăn choàng, giáo, hạt, vòng chân, tua bin, và những thứ tương tự khác. Bất chấp những điều này, những bức ảnh khoả thân của Vallou vẫn thu hút được nhiều sự chú ý. Hình ảnh của chúng giống như thật cả về trọng lượng và kết cấu; thực sự, những bức ảnh đã phục vụ Courbet như những người mẫu sống động. (Nguồn: The MET) 

Trong một thời gian dài, những bức ảnh khoả thân duy nhất được phép xuất bản là hình ảnh những người bản địa đi cùng với các nhà thám hiểm và du khách trong những chuyến đi thám hiểm và du lịch, nhất là trong thời thuộc địa. Những bức ảnh về người bản địa này, ít nhiều khỏa thân, đã được sử dụng để minh họa cho các trang của các tạp chí uy tín như National Geographic hoặc trong một số sách giáo khoa. Sau đó, hình ảnh của họ được sử dụng để quảng bá cho sự vượt trội của một số nền văn minh so với những nền văn minh hoang dã được tìm thấy ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, không phải tất cả các bức ảnh kiểu này đều chỉ được sử dụng với mục đích như vậy (vô can), mà hơn thế nữa, những bức ảnh khoả thân của những người không dám nói tên cũng như bản vẽ lại của các bức ảnh có thể tìm thấy trong các cuốn từ điển vĩ đại, đã góp phần vào việc giáo dục nhiều thế hệ thanh thiếu niên trong thời kỳ mà nhìn chung xã hội còn khá thuần túy và ít cởi mở.

Vì nhiếp ảnh tiếp tục ngày một phát triển, nên sự tác động qua lại lẫn nhau của hội họa và nhiếp ảnh cũng ngày càng lớn. Không chỉ những tượng đài nhiếp ảnh mà cả những nhà nhiếp ảnh khác, bao gồm Alvin Langdon Coburn, Edward Steichen, Gertrude Käsebier, Oscar Gustave Rejlander và Sarah Choate Sears cũng đều được đào tạo để trở thành họa sỹ hoặc ít nhất là sử dụng hội họa như một kỹ năng cho sự nghiệp nhiếp ảnh của mình.

Từ năm 1890 đến năm 1914, chủ nghĩa tượng hình chiếm vị trí then chốt trong lịch sử nhiếp ảnh: phong trào này được tạo ra với ý tưởng đưa nhiếp ảnh trở thành ‘nghệ thuật’. Vào khoảng năm 1880, sự phát triển của những chiếc máy ảnh nhỏ hơn và đơn giản hơn đã đưa quy trình do Daguerre(*) phát triển vào tầm tay của đông đảo người chụp ảnh nghiệp dư. Một bộ phận những nhà nhiếp ảnh nghiệp dư từ giai cấp tư sản đã đấu tranh chống lại việc tiêu chuẩn hóa các bức ảnh xuất hiện từ cuộc cách mạng kỹ thuật và cố gắng phát triển thẩm mỹ nhiếp ảnh của riêng họ, đặt hoạt động nghệ thuật vào trọng tâm của việc chụp ảnh. Đằng sau tham vọng này là câu hỏi đặt ra cho thực tế: trao đặc quyền cho sự nhạy cảm của nghệ sỹ-nhiếp ảnh gia.

(*) Louis-Jacques-Mandé Daguerre (18.11.1787 – 10.7.1851) là một nghệ sĩ và nhiếp ảnh gia người Pháp, được công nhận nhờ phát minh ra quy trình chụp ảnh daguerreotype cùng tên. Ông được biết đến như một trong những cha đẻ của nhiếp ảnh. Mặc dù nổi tiếng nhất với những đóng góp cho nhiếp ảnh, ông cũng là một họa sĩ tài năng, nhà thiết kế phong cảnh và nhà phát triển nhà hát diorama (là một dạng nhà hát 3D). (Nguồn: Wikipedia). Quy trình in ảnh do ông phát minh ra được sử dụng rộng rãi trong những năm 1840-1850 dựa trên phản ứng hóa học với ánh sáng của các hóa chất được đặt trên bề mặt kim loại.

Khỏa thân trên bãi biển, 1900-1920 (ca) © Emile Joachim Constant Puyo

Émile Joachim Constant Puyo là một nhà nhiếp ảnh lớn của chủ nghĩa báo ảnh Pháp. Phong trào báo ảnh ủng hộ việc chế tác ảnh như một phương tiện tạo ra hình ảnh không chỉ đơn giản là ghi lại hiện thực mà còn là biểu hiện của vẻ đẹp và cảm xúc ngang hàng với các loại hình nghệ thuật khác. Để làm cho các bức ảnh kém sắc nét hơn, Puyo đã sử dụng ánh sáng khuếch tán, thiết kế thấu kính tiêu cự mềm và hoàn thiện quy trình in chuyển dầu và kỹ thuật in Gum Bichromate (*), là kỹ thuật có thể được sử dụng để xử lý ảnh và tạo hiệu ứng như một bức tranh. Những người phụ nữ tạo dáng bên hoa hoặc trong phong cảnh thôn dã là đối tượng yêu thích của các nhà báo ảnh, những người luôn tìm cách xây dựng sự nữ tính lý tưởng trong ảnh của mình. (Nguồn: MOCP)

(*) Gum bichromate là kỹ thuật in ảnh được sử dụng vào thế kỷ 19 dựa trên sự nhạy sáng của chất hóa học dichromates. Kỹ thuật in này cho phép in ra những hình ảnh trông như một bức tranh từ âm bản phim. Về mặt truyền thống, kỹ thuật in Gum là một quá trình in nhiều lớp nhưng nhiều khi, nó có thể cho ra một bản in đẹp ngay từ lần in đầu tiên.

Torso, 1907 © Clarence H. White and Alfred Stieglitz

Một nhà nhiếp ảnh tự học quê ở vùng nông thôn Ohio, Clarence H. White (1871-1925) là thành viên điều lệ vào năm 1902 của Photo-Secession, nhóm nhiếp ảnh gia người Mỹ có ảnh hưởng đầu tiên đã nỗ lực để nhiếp ảnh được chấp nhận như một hình thức nghệ thuật mỹ thuật do Alfred Stieglitz dẫn đầu, ông là người thường xuyên đóng góp cho Camera Work, một ấn phẩm được coi là uyên bác và xa hoa về nghệ thuật do Alfred Stieglitz sáng lập ra, và sau năm 1906, khi ông chuyển đến New York, ông trở thành một thành viên thân cận của Alfred Stieglitz. White tiếp tục quảng bá Chủ nghĩa Báo ảnh ngay cả sau khi ông ngừng hợp tác với Stieglitz vào năm 1910 do ông từ bỏ phong cách này để chuyển sang hướng hiện đại hơn. (Nguồn: Spencer Alley)

Những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX chứng kiến những thay đổi căn bản về mặt thái độ trong xã hội. Các lý do rất đa dạng. Những đột phá về y học, Thế chiến I, sự phát triển của thời trang và khiêu vũ, sự mở rộng của các tạp chí minh họa và quảng cáo … Sự kết hợp của những tiến bộ công nghệ và văn hóa này đã giúp các nhiếp ảnh gia suy nghĩ khác về cách tiếp cận của họ đối với cơ thể con người. Lần đầu tiên, họ quyết định chụp cơ thể người theo từng phân đoạn để đặc tả từng bộ phận khác nhau của cơ thể.

Georgia O’Keeffe, Bàn tay và bộ ngực, 1919 © Alfred Stieglitz Courtesy of Alfred A. Knopf

Vào giữa thế kỷ 20, trong nỗ lực tránh việc kiểm duyệt (censor) vốn thịnh hành trong một xã hội thận trọng, một số tạp chí đã có ý tưởng tuyệt vời là lật đổ định kiến khiêu dâm trong ảnh nude.

Các hình ảnh khỏa thân sau đó đã được giới thiệu cho công chúng như một loại hình nghệ thuật. Thời kỳ này thực sự là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất của nghệ thuật khỏa thân. Với sự ra đời của phong trào Tầm nhìn mới (New Vision), một phong trào ra đời với mục đích nhìn thế giới qua ống kính máy ảnh, sử dụng nhiếp ảnh như một tấm gương phản chiếu hiện thực mỗi ngày, đồng thời sử dụng nó như một thiết bị làm tư liệu và trải nghiệm và Chủ nghĩa siêu thực, các nghệ sĩ, bất kể họ thuộc về loại hình nghệ thuật nào, đều trao đổi ý tưởng với nhau và phát minh ra phong cách mới, kỹ thuật mới và đặc biệt là nhận thức mới về nhiếp ảnh. Theo thời gian, nó dẫn đến việc dân chủ hóa nhiếp ảnh khỏa thân như một trụ cột của bộ môn nghệ thuật thứ 8. Các nhiếp ảnh gia cho dù là theo chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa siêu thực, chủ nghĩa hình thức hay theo chủ nghĩa nhiếp ảnh thuần túy, đã sử dụng các kỹ thuật khác nhau để mở rộng việc sử dụng nghệ thuật khỏa thân trong nhiếp ảnh.

Cây vĩ cầm củaIngres, 1924 © Man Ray

Cây vỹ cầm của Ingres là một trong những hình ảnh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật hiện đại. Để tạo ra tác phẩm này, Man Ray đã chụp ảnh Kiki, một trong những người mẫu yêu thích của ông và tạo dáng cô ấy giống như một bức tranh của Ingres. Sau đó, ông vẽ hai ký hiệu F được sao chép từ thân của một cây vĩ cầm lên bản in, trước khi chụp lại nó. Đây là một ví dụ mạnh mẽ về thao tác hậu kỳ được sử dụng để tạo hiệu ứng Siêu thực trong nhiếp ảnh. (Nguồn: The Art Story)

Nude 1931-34, Brassaï

Trên đây là một trong những bức ảnh khỏa thân trừu tượng nhất của Brassaï, bức ảnh này được xuất bản vào năm 1933 trong số đầu tiên của tạp chí tiên phong Minotaure. Với phần đầu và chân của nhân vật bị cắt bỏ bởi các cạnh của bức tranh, phần thân xoắn, cắt ngắn dường như trôi nổi trong không gian giống như một sự hiện ra — một dạng hữu cơ, mơ hồ với sự giống nhau đến kỳ lạ. Sự biến đổi hình tượng phụ nữ thành một đối tượng tôn sùng này là một dấu ấn của Chủ nghĩa siêu thực phản ánh ảnh hưởng quan trọng của lý thuyết phân tâm học của Freud đối với nghệ thuật châu Âu đầu thế kỷ 20. (Nguồn: The MET)

Kỷ nguyên vàng của nhiếp ảnh này đột nhiên bị dừng lại bởi Thế chiến thứ hai. Khoảng thời gian ngắn giữa hai cuộc chiến tranh thế giới vẫn là một trong những khoảng thời gian phong phú nhất trong lịch sử nhiếp ảnh.

Dưới đây là một số bức ảnh tiêu biểu cho thời kỳ này:

Vô đề (Nude, solarisation), 1927 © Man Ray/Man Ray Trust/ADAGP

Helen 2, 1928 © Imogen Cunningham Trust

Etude de nu, 1930 © Germaine Krull

Nude 3 (Femmes 1933) © Sasha Stone

Sự biến dạng #40, 1933 © André Kertész

Nude (Charis nơi ngưỡng cửa), 1936, Edward Weston

Khỏa thân trên chiếc ghế tình yêu, c. 1936 © Paul Outerbridge

 

Khỏa thân dưới tấm lụa ướt, Paris, 1937 © Erwin Blumenfeld

Bài viết được dịch từ A brief history of nude photography (1839-1939) do SANDRINE HERMAND-GRISEL viết và đăng tải trên website www.all-about-photo.com ngày 21/12/2019)