LỊCH SỬ NHIẾP ẢNH KHỎA THÂN THẾ GIỚI RÚT GỌN
PHẦN II TỪ NĂM 1939 – 1969
Lịch sử nhiếp ảnh khỏa thân thế giới rút gọn phần I
Nude 1931-34, Brassaï
Nhiếp ảnh đã có một tác động sâu sắc đến sự phát triển nhận thức về cơ thể trong lịch sử thị giác của loài người. Nó đã mang lại cái nhìn toàn diện cho việc khám phá giải phẫu và hình thái cũng như đóng góp vào những tưởng tượng dục vọng của chúng ta. Nhưng điều gì đã xảy ra sau khi ‘Kỷ nguyên vàng của nhiếp ảnh’ bị Thế chiến II đột ngột cắt ngang?
Những năm trước và sau chiến tranh, lịch sử chứng kiến cuộc di cư lớn nhất từ trước đến nay của các nghệ sĩ và trí thức khi họ chạy trốn khỏi các liên minh Phát xít. Gần như chỉ sau một đêm, các nhiếp ảnh gia đã bỏ trốn khỏi các thủ đô văn hóa của châu Âu để tìm nơi trú ẩn rồi sau đó làm việc chủ yếu ở Mỹ và Anh. Nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ chính là kết quả của việc di cư này.
Với thời gian, nhiếp ảnh ngày càng có ảnh hưởng và quyền lực trong xã hội. Nó đã góp phần biến đổi xã hội hiện đại thành một nền văn hóa chủ yếu dựa trên thị giác trong đó thông tin và tin tức được dẫn dắt bằng các nhiếp ảnh gia hơn là bằng câu chữ. Trong chiến tranh, nhiếp ảnh trở thành công cụ để kể chuyện (phóng viên ảnh) hoặc tuyên truyền về những gì đang diễn ra trong một thế giới bị đảo lộn. Sự thay đổi chóng mặt của thế giới báo ảnh đã xâm chiếm nhiếp ảnh từ cuối những năm 1930 cho đến hết thế kỷ 20. Các nhà nhiếp ảnh đã đưa hiện thực của chiến tranh vào từng ngôi nhà thông qua các tờ báo và tạp chí. Các biên tập viên nắm giữ quyền lực to lớn và các nhiếp ảnh gia trở thành những anh hùng bắt nhịp với thời đại.
Hoàn cảnh lịch sử và những cải tiến kỹ thuật trong nhiếp ảnh đã tạo tiền đề cho sự thành công không chỉ cho nhiếp ảnh báo chí mà còn cho cả nhiếp ảnh thời trang. Cuối những năm 40 và 50, nền kinh tế thế giới đã phát triển mạnh nhưng chưa đủ nhanh để giữ chân phụ nữ ở lại nơi làm việc và thu hút những người lính trở về từ chiến trường. Phụ nữ được khuyến khích trở về nhà và kích thích nền kinh tế bằng cách mua hàng tiêu dùng. Bộ sưu tập “Diện mạo mới” (New Look) của Dior xâm chiếm lĩnh vực thời trang vào cuối những năm 40 đã tôn vinh sự “siêu-nữ tính” và sang trọng trong thời trang nữ. Sau nhiều năm khoác áo quân phục và đồng phục dân sự, nay hình ảnh người phụ nữ đã trở nên đáng mơ ước hơn. Chính vì thế mà nhiếp ảnh thời trang đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của các tạp chí có ảnh minh họa đến mức nó đã trở thành phương tiện quảng cáo của các hãng như Vogue hay Harper’s Bazar.
Theo bước chân của Steichen khi ông là nhiếp ảnh gia cho Vanity Fair và Vogue trước chiến tranh, Vogue và Harper’s Bazar đã sử dụng những nhiếp ảnh gia giỏi nhất như George Hoyningen-Huene, Horst P. Horst, Louise Dahl-Wolfe, Cecil Beaton, Erwin Blumenfeld, Norman Parkinson, Richard Avedon, Irving Penn … để có được những hình ảnh hấp dẫn nhất. Các số liệu lưu hành thời kỳ đó đã xác nhận thu nhập do quảng cáo và các sản phẩm độc quyền mới nhất “Haute Couture” mang lại. (Haute Couture được hiểu là thời trang xa xỉ thiết kế và may đo riêng theo đơn đặt hàng)
Những nhiếp ảnh gia nổi tiếng này đã thống trị thế giới nhiếp ảnh thời trang bằng cách tạo ra những cơ thể giả tưởng. Nhưng cùng lúc đó, nhu cầu cao về loại ảnh mới này đã cho phép những nghệ sĩ theo đuổi công việc mà không làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn trong nghệ thuật của họ.
Khỏa thân nữ, 1941 © Louise Dahl-Wolfe Courtesy CCP, Artists Rights Society (ARS)
Chiếc bóng đằng sau tấm màn che (khỏa thân nữ) 1942
© Erwin Blumenfeld Copyright the Estate of Erwin Blumenfeld
Nude N.1, New York, 1947 © Irving Penn
Vào năm 1950, Penn, được biết đến là một nhà nhiếp ảnh thời trang và chân dung nổi tiếng của Vogue, đã chụp một loạt ảnh khỏa thân, đây là những dự án cá nhân ít nổi tiếng hơn công việc ông thường làm. Trong tuần, ông chụp những người mẫu mặc quần áo thời trang cho tạp chí, đến cuối tuần và buổi tối, ông nghiên cứu về ảnh khỏa thân nữ. Những người phụ nữ có thân hình đầy đặn và những bức ảnh khác biệt gợi nhớ tới hình dáng và tinh thần của các hình ảnh sản phụ ngày xưa. Nguồn: The MET
Khỏa thân nam I, 1952 © Horst P. Horst
Ảnh khỏa thân nghệ thuật nữ cũng bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn trên các tạp chí máy ảnh (U.S Camera, Popular Photography), nơi nghệ thuật được viện dẫn để biện minh cho việc làm mất lòng những người mẫu nữ. Tuy nhiên, trong khi dư luận khuyến khích việc chụp ảnh khoả thân, họ vẫn lên án nếu chúng chưa đủ ‘nghệ thuật’ theo sở thích cá nhân và theo nhận định chủ quan của họ.
Được thành lập vào năm 1953 và nổi tiếng với các người mẫu khỏa thân và bán khỏa thân, tạp chí Playboy đã trở nên rất phổ biến ngay cả khi những hình ảnh nổi bật nhất của họ hầu như không để lại chỗ trống cho những đổi mới trong nhiếp ảnh.
Chỉ đến cuối những năm 50 và đầu những năm 60, nhiếp ảnh mới bắt đầu được công nhận là một môn “nghệ thuật cao quý”. Các phương tiện truyền thông và các nhà quảng cáo đã giúp các nhiếp ảnh gia được công nhận và mở rộng cánh cửa của các viện bảo tàng cho họ. “Gia đình người đàn ông năm 1955” (sau ‘Nhiếp ảnh châu Âu thời hậu chiến’ năm 1953) là một triển lãm nhiếp ảnh đầy tham vọng do Edward Steichen, giám đốc Sở Nhiếp ảnh của MoMA (Thành lập năm 1940), giám tuyển. Hàng trăm bức ảnh của các nhiếp ảnh gia đã được triển lãm khắp thế giới trong tám năm và đạt được số lượng người xem kỷ lục. Nhưng cuộc triển lãm này lại chỉ được dành riêng cho các nhà hoạt động nhân quyền và các nhiếp ảnh gia tài liệu.
Một số nhiếp ảnh gia đã rời bỏ giá trị ghi lại thực tế mà thay vào đó là tập trung vào những giá trị nội tại của nhiếp ảnh.
Harry Callahan và Minor White, đã chia sẻ cảm nhận về một trải nghiệm mà nhiếp ảnh có thể thể hiện. Cách tiếp cận của họ liên quan nhiều đến việc thấu hiểu sâu sắc sự việc thông qua góc nhìn, tính trừu tượng cũng như tính hữu hình.
Trong một bức thư năm 1946, Callahan viết: Tôi đã dành mọi khoảnh khắc rảnh rỗi cho (…) nhiếp ảnh như một phương tiện biểu đạt cảm xúc và mối quan hệ trực quan của tôi với cuộc sống bên trong tôi và về tôi. Tác phẩm của Harry Callahan về vợ và con gái ông là Eleanor và Barbara đã xác định gia đình là một phần của cơ thể không bao gồm các hoạt động thường ngày. Ông đã chụp ảnh vợ nhiều lần, từ trong nhà đến ngoài nhà, khỏa thân và mặc quần áo, trong hơn 15 năm.
Eleanor and Barbara, Chicago 1954 © Harry Callahan Courtesy Pace/MacGill Gallery
Trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh của mình, vợ và con gái của Callahan đã chơi đùa, tạo dáng và già đi trước ống kính của ông. Tuy nhiên, với việc chú ý đến tính chất của ánh sáng, những bức ảnh của Callahan đã vượt lên bức chân dung gia đình đơn thuần mà thu hút sự chú ý đến vẻ đẹp giản dị của những khoảnh khắc thoáng qua trong cuộc sống. “Anh ấy chỉ thích chụp ảnh tôi”, Eleanor nhớ lại ở tuổi chín mươi. ” Trong mọi tư thế. Dù mưa hay nắng. Và bất cứ điều gì tôi đang làm: khi tôi đang rửa bát đĩa hoặc khi tôi đang lơ mơ ngủ. Và anh ấy biết rằng tôi không bao giờ, không bao giờ nói không. Tôi luôn ở đó vì anh ấy. Bởi vì tôi biết rằng Harry sẽ chỉ làm điều đúng đắn. ” Eleanor Callahan qua đời vào tháng 2 năm 2012 ở tuổi 95 .. (Nguồn: MoMA)
Minor White, (1908 – 1976) đã có cách phản ứng khác trong nhiều thập kỷ về việc “chấp nhận những hành vi tình dục” bằng cách sử dụng nhiếp ảnh để khám phá xu hướng tình dục của bản thân ông trong khi ông luôn che dấu rằng mình đồng giới. (Những hình ảnh khỏa thân nam thể hiện xu hướng tình dục rõ ràng đã không được công khai cho đến những năm 1980, sau khi ông đã qua đời).
Nude Foot, San Francisco, March 23 1947, Gelatin silver print © Minor White
Courtesy The Minor White Archive, Princeton University Art Museum, bequest of Minor White (x1980-890) © Trustees of Princeton University
Bill Brandt đã từng là một nhà nhiếp ảnh chụp ảnh chân dung và thời trang cho tạp chí Harper’s Bazaar. Trong thời hậu chiến, ảnh của ông ngày càng trở nên trừu tượng với việc ông thử nghiệm ống kính góc rộng và chụp những bức ảnh khỏa thân ngoài trời lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa siêu thực. Từng là học viên của Man Ray, ông bắt đầu chụp ảnh khỏa thân từ những năm 30, nhưng vì những hình ảnh ông chụp bị công chúng và báo chí từ chối, nên chỉ đến những năm 60 của thế kỷ trước, ông mới có thể công khai những bức ảnh này. Ông đã tạo ra những bức ảnh khỏa thân đầy biểu cảm, chụp đối tượng của mình ở cự ly gần đến mức cơ thể con người xuất hiện hàng loạt những họa tiết và hình ảnh trừu tượng.
Bill Brandt, Nude, London1954, Sample image by Bill Brandt, Nude, London 1954
Bill Brandt được biết tới nhiều nhất với một loạt ảnh khỏa thân được chụp và rửa chủ yếu từ những năm 1945 đến những năm 1961 vừa mang tính cá nhân vừa mang tính phổ biến, vừa gợi cảm vừa kỳ lạ, nói chung đấy là minh chứng cho “cảm giác kỳ diệu” là điều tối quan trọng trong các bức ảnh của ông. Tác phẩm của Brandt không thể đoán trước được không chỉ về chủ thể mà còn về phong cách in ấn rất đa dạng ông sử dụng trong suốt sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. (Nguồn: MoMA)
Robert Rauschenberg và Susan Weil đã thực hiện các thử nghiệm song song với sự phát triển của phong trào nghệ thuật Biểu hiện Trừu tượng, được khởi xướng ở New York vào cuối những năm 1940, để phản ứng lại sự tàn khốc của Thế chiến thứ hai. Họ đặt cơ thể khỏa thân của họ trên những giấy in phơi (Blueprint) sau đó đem phơi dưới ánh nắng mặt trời. Thay vì chụp cả cơ thể, họ để lại dấu vết của sự hiện diện ở đó (Blueprints 1949-1951) Các tác phẩm được đăng trong một bài báo năm 1951 trên tạp chí Life.
Blueprints 1949-1951 © Robert Rauschenberg and Susan Weil Courtesy Rauschenberg Foundation
Lucien Clergue bắt đầu khám phá nghệ thuật khỏa thân từ năm 1957. Chất thơ và sự gợi tình tinh tế là những điều không thể tách rời trong những bức ảnh ông chụp. Ông đã xuất bản những bức ảnh khoả thân của mình cùng với những bài thơ của Paul Éluard, trong cuốn sách “Những ký ức cơ thể” (Corps mémorables) vào năm 1957. Ngay từ đầu, ông đã biết cách nắm bắt những nét gợi cảm nhất. Những người mẫu của ông ấy thường rất quý phái và ông ấy thường muốn chụp ảnh họ trên biển. Vào thời điểm đó, ông giải thích lý do những bức ảnh không cho thấy gương mặt của người mẫu là vì sự kiểm duyệt (censor), ông viết: Những nơi nào có lông thì không có đầu và những nơi nào có đầu thì không có lông.
Khỏa thân trên biển, Camargue 1956 © Lucien Clergu
Nhạc Rock ‘n’ Roll, truyền hình, phong trào quyền công dân hay chiến tranh lạnh là một số những sự kiện lớn ảnh hưởng đến các nghệ sỹ vào thời điểm đó và là khúc dạo đầu cho những gì diễn ra tiếp theo sau.
Những năm 60 là thời kỳ chứng kiến nhiều sự xung đột và gây tranh cãi, đã có những cuộc nổi dậy chính trị náo động trên khắp thế giới. Các quốc gia được cho là đã hòa bình lại trải qua một sự thay đổi đáng kể. Những người trẻ tuổi muốn phá bỏ những quy tắc xã hội bằng cách nổi loạn đồng thời góp phần vào sự bùng nổ của chủ nghĩa tiêu dùng. Các nhiếp ảnh gia thời trang và người nổi tiếng đã làm cho hình ảnh sản phẩm bóng bẩy hơn. Sự nở rộ của quáng cáo đã trở nên hấp dẫn với các nhà nhiếp ảnh.
Marilyn Monroe for Vogue, 1962 © Bert Stern
Sự giải phóng về mặt xã hội, chính trị và tình dục đã đặt cơ thể con người vào vị trí trung tâm. Nếu cuộc sống chính là hình thức nghệ thuật vĩ đại nhất, thì dường như chỉ có một logic đối với các nghệ sỹ đó là sử dụng cơ thể như một phương tiện biểu cảm. Cơ thể trở thành một công cụ hoàn hảo để cá nhân hóa chính trị. Trái ngược hẳn với sự hà khắc của những năm 50, những năm 60 nhiếp ảnh khỏa thân đã tạo ra một bầu không khí mang đậm chất tự do tình dục.
Việc ra đời của máy ảnh 35mm và máy ảnh Instamatic giá rẻ cũng như việc giảng dạy nhiếp ảnh trong các trường đại học đã giải phóng các nhà nhiếp ảnh, giúp họ có thể thể hiện bản thân và ghi hình lại thế giới xung quanh một cách dễ dàng hơn.
Những năm 1960 là thời kỳ mà thuật ngữ ‘nhiếp ảnh ý niệm’ lần đầu tiên ra đời và bắt đầu được sử dụng. Quá trình này trùng khớp với những khám phá ban đầu về nghệ thuật quay video và nghệ thuật ý niệm trong phong trào Ý niệm (Conceptual Movement). Trên thực tế, các nghệ sĩ bắt đầu khám phá nhiếp ảnh ý niệm như một phương tiện để lên ý tưởng hơn là chụp một chủ thể để ghi lại khoảnh khắc.
Renée Oracle 1968 © Thomas Weir
Eye Body: 36 Transformative Actions for Camera, 1963 (photo by Erró) © Carolee Schneemann
Mong muốn của Carolee Schneemann là đưa hội hoạ vượt khỏi giới hạn của những khung tranh đồng thời vừa trở thành người tạo vừa là người thực hiện nghệ thuật đã dẫn đến sự kết hợp giữa việc thực hành nghệ thuật và chụp ảnh để đưa cơ thể cô ấy vào vị trí nổi bật. Trong rất nhiều tác phẩm của mình, Schneemann đã đặt cơ thể phụ nữ trong bối cảnh lịch sử và xã hội đương thời đồng thời khám phá những khao khát và dục vọng từ góc nhìn của nữ giới.
(Nguồn: dxi Magazine)
Ở Nhật Bản, Eikoh Hosoe được biết đến nhiều nhất với sự u tối, tính tương phản cao, những bức ảnh đen trắng về cơ thể nam giới và nữ giới. Một số ảnh tham chiếu đến tôn giáo, triết học và thần thoại trong khi một số ảnh khác thì gần như là trừu tượng, như bức ảnh “Nam giới và nữ giới #24”, từ năm 1960.
Man and Woman #24 1960 © Eikoh Hosoe
Bằng việc kết hợp giữa những yếu tố thanh tao và gợi cảm,Ruth Bernhard đã đạt được sự cân bằng tinh tế giữa bố cục chặt chẽ và sự gợi cảm. Đây là cách bà phản ứng lại với xu hướng khai thác hình ảnh cơ thể phụ nữ trong văn hóa phương Tây trong những năm 60 của thế kỷ trước. Bà nói với Margaretta K. Mitchell, tác giả của cuốn “Ruth Bernhard: giữa nghệ thuật và cuộc sống” (2000) rằng: phụ nữ đã trở thành chủ đề của rất nhiều thứ bẩn thỉu và rẻ tiền, đặc biệt là trong nhiếp ảnh (…) Giáo dục, nâng cao giá trị và ủng hộ hình ảnh người phụ nữ với lòng tôn kính mãi mãi là sứ mệnh của tôi”
Two Forms, 1963 © Ruth Bernhard
Thế giới đã thay đổi đáng kể trong những năm 1960 và 1970, đó là thời kỳ được coi là xác định cho kỷ nguyên hiện đại, đồng thời cũng là thời điểm mà nude photography nở rộ như là một bộ môn nghệ thuật hiện đại.
Bài viết dược dịch từ bài báo “A brief history of nude photography (1939-1969)” do SANDRINE HERMAND-GRISEL viết và đăng tải trên www.all-about-photo.com ngày 04/07/2022.
Link bài báo: https://www.all-about-photo.com/photo-articles/photo-article/1033/a-brief-history-of-nude-photography-1939-1969-